Thời kì ở Paris (1797 - 1806) Jean-Auguste-Dominique Ingres

Thân trên nam giới (1800), Montauban, Bảo tàng Ingres

Tháng 3 năm 1797, Học viện nơi Ingres theo học trao cho ông giải nhất trong môn vẽ, và đến tháng tám cùng năm ông chuyển đến Pari để học trong xưởng vẽ của Jacques-Louis David - hoạ sĩ hàng đầu của nước Pháp và Châu Âu trong thời kì Cách mạng, và Ingres ở lại 4 năm trong xưởng vẽ này. Ingres đi theo tấm gương về phong cách tân cổ điển của thầy.[8]Trong năm 1797, David đang sáng tác kiệt tác khổng lồ của mình "Cuộc bắt cóc phụ nữ Sabine", và đang dần dần thay đổi phong cách từ những hình mẫu thực tế và nghiêm ngặt của La Mã sang hình mẫu lí tưởng tinh khiết, trinh tiết và giản dị của Hy Lạp cổ.[9] Một trong số các học trò khác của David, Étienne-Jean Delécluze, người mà về sau trở thành nhà phê bình nghệ thuật nói về Ingres khi ông còn là học trò như sau:

Ông ấy trở nên nổi bật không chỉ nhờ tính cách thật thà bộc trực và khuynh hướng làm việc một mình ... ông ấy là một trong số những người chịu khó nhất ... Ingres ít quan tâm đến tất cả những sự huyên náo và điên rồ xung quanh mình, và ông học với nhiều kiên nhẫn hơn hầu hết bạn đồng môn ... Tất cả những tính chất làm nên tài năng của người hoạ sĩ, sự tinh tế của đường nét, sự đúng đắn và tính truyền cảm sâu sắc của hình thức và một hình mẫu đặc biệt chính xác và vững chắc, có thể thấy ngay trong quá trình học hỏi ban đầu của ông. Trong khi vài bạn đồng chí và cả David bày tỏ dấu hiệu về khuynh hướng cường điệu trong sự học của ông, mọi người đã bị ấn tượng bởi tư chất cao quý và đã công nhận tài năng của Ingres.[10]

Ingres được nhận vào khoa Hội hoạ của trường École des Beaux-Arts tháng 10 năm 1799. Vào năm 1800 và 1801, ông giành giải cao nhất cho nội dung tranh vẽ người cho bức hoạ thân trên nam giới của ông.[11]Cũng trong 2 năm đó ông đều tham gia thi giải Prix de Rome, giải thưởng cao nhất của Học viện Hoàng gia, mà tạo điều kiện cho người chiến thắng được cư trú 4 năm tại Viện Hàn lâm Pháp tại Rome. Ingres giành giải Nhì trong lần thi đầu tiên, nhưng đến năm 1801 ông giật giải nhất cho bức Các sứ giả của Agamemnon trong lều của Achilles. Hình tượng của các sứ giả, được đặt phía bên phải bức tranh, trông cơ bắp và cứng rắn như các bức tượng, giống như phong cách Ingres được dạy bởi David, nhưng hai hình ảnh chính bên trái, AchillesPatroclus lại trông dễ biến đổi, đầy sức sống và phong nhã, giống như tượng đắp nổi thấp tinh xảo.[12]

Các sứ giả của Agamemnon trong lều của Achilles, 1801, tranh sơn dầu, École des Beaux Arts, Paris

Sự lưu trú của Ingres ở Rome bị hoãn lại tới năm 1806 do sự thiếu hụt ngân sách nhà nước. Trong thời gian đó, ông làm việc ở Pari cùng với vài học trò khác của David trong một xưởng vẽ hỗ trợ bởi nhà nước, và ông đã tiến xa hơn trong việc phát triển một phong cách nhấn mạnh sự tinh khiết của đường nét. Ingres tìm thấy nguồn cảm hứng trong các tác phẩm của Raphael, bức hoạ trên bình Etruscan và bản in khắc phác thảo của hoạ sĩ người Anh John Flaxman.[13] Các bức vẽ của ông về sinh vật lưỡng tính và nữ thần Salmacis đã tạo ra phong cách lí tưởng mới về vẻ đẹp của phụ nữ, điều mà sau đó xuất hiện trở lại trong Jupiter et Thetis và các tranh khoả thân nổi tiếng của ông.[14]

Năm 1802, Ingres lần đầu tiên được trưng bày tranh tại Salon Paris với bức Chân dung một phụ nữ (nơi đặt bức tranh này hiện nay vẫn chưa được biết). Giữa năm 1804 và 1806, ông vẽ một loạt các bức chân dung mà gây ấn tượng sâu sắc bởi sự chính xác cực độ, đặc biệt là sự phong phú của chất vải và các tiểu tiết. Chúng bao gồm Chân dung Philipbert Riviére (1805), Chân dung Sabine Rivière (1805–06), Chân dung Madame Aymon (1806), Chân dung Caroline Rivière (1805 - 06). Các khuôn mặt phụ nữ được thể hiện không quá chi tiết nhưng được làm mềm, và được chú ý bởi đôi mắt to hình trái xoan, màu sắc da thịt thanh tú và xinh như mộng. Các tranh chân dung của Ingres có nền đơn giản của màu tối và rắn hoặc màu nhạt, hay của bầu trời. Những điều này khởi tạo một loạt tranh làm cho Ingres được coi là hoạ sĩ vẽ chân dung trứ danh nhất thế kỉ XIX.[15]

Trong thời gian Ingres chờ khởi hành tới Rome, bạn ông là Lorenzo Bartolini giới thiệu với ông các tác phẩm hội hoạ Phục Hưng Ý, đặc biệt là tác phẩm của BronzinoPontormo, mà Napoleon mang về từ chiến dịch của ông ta ở Ý và đặt tại Louvre. Ingres đồng hoá sự rõ ràng, sáng sủa và tính hoàng tráng từ tranh của họ vào phong cách chân dung riêng của ông. Tại Louvre còn có các kiệt tác của Hội hoạ Flemish, bao gồm bức Ghent Altarpiece của Jan Van Eyck mà quân đội Pháp tịch thu được trong cuộc xâm chiếm Flanders. Sự chính xác của hội hoạ Phục hưng Flemish trở thành một phần trong phong cách vẽ của Ingres.[16] Phong cách chiết trung của ông đại diện cho một xu hướng mới trong nghệ thuật. Bảo tàng Louvre khi đó, mới được lấp đầy bởi chiến lợi phẩm của Napoleon trong các chiến dịch tại Ý và Vùng đất thấp, cho phép các nghệ sĩ Pháp đầu thế kỉ XIX một cơ hội vô tiền khoáng hậu để học hỏi, so sánh và sao chép các tác phẩm bậc thầy từ thời Cổ đại và toàn bộ lịch sử nghệ thuật Âu châu.[17] Như nhà sử học nghệ thuật Marjorie Coln đã viết: "Vào thời điểm đó (đầu thế kỉ XIX), lịch sử nghệ thuật như một vấn đề học thuật vẫn còn mới toanh. Các nghệ sĩ và các nhà phê bình người này đã cố vượt lên người kia trong sự tìm tòi, thể hiện và khai thác những gì họ bắt đầu lĩnh hội như các bước phát triển phong cách nghệ thuật trong lịch sử.""[18] Vào thời gian đầu của sự nghiệp, Ingres đã tự do mượn ý tưởng từ hội hoạ trước đó, làm theo phong cách lịch sử dành riêng cho chủ đề của ông, và do đó ông bị một số nhà phê bình buộc tội là đã tước đoạt quá khứ.[18]

Napoléon trên ngai vàng, 1806, tranh sơn dầu, 260 x 163 cm, Musée de l'Armée, Paris

Năm 1803, Ingres nhận một nhiệm vụ đem lại uy tín, là một trong năm hoạ sĩ được chọn (cùng với Jean-Baptiste Greuze, Robert Lefèvre, Charles MeynierMarie-Guillemine Benoist) để vẽ chân dung toàn thân của Napoleon Bonaparte trong vai trò Đệ nhất tổng tài. Các bức tranh này sẽ được phân phát cho các thị xã mới sáp nhập vào Pháp sau Hiệp ước Lunéville kí năm 1801 như Liège, Antwerp, Dunkerque, Brussels, và Ghent.[19] Napoleon không được biết đến là đã làm mẫu vẽ cho các hoạ sĩ, và sự tỉ mỉ và chính xác của bức Bonaparte, Đệ nhất tổng tài của Ingres được thể hiện như theo hình mẫu Napoleon trong tranh của Antoine-Jean Gros vẽ năm 1802[20]

Chân dung vẽ trên huy chương của Julie Forestier, 1806, Ingres

Vào mùa hè năm 1806, Ingres chính thức kết hôn với Marie-Anne-Julie Forestier, một hoạ sĩ kiêm nhạc sĩ, trước khi chuyển đến Rome vào tháng 9 cùng năm. Mặc dù ông hi vọng được ở lại Pari đủ lâu để đích thân chứng kiến sự mở đầu của triển lãm tại Salon năm đó, mà ông định trưng bày vài tác phẩm, ông đã miễn cưỡng rời đến Ý vài ngày trước cuộc triển lãm.[21]

Ingres vẽ một bức chân dung mới về Napoleon để trưng bày tại Salon năm 1806, bức tranh thể hiện hình ảnh Napoleon trên ngai vàng vão lễ đăng quang của ông ta. Tác phẩm này khác hoàn toàn với bức tranh Napoleon, Đệ nhất tổng tài trước đó của Ingres; nó tập trung hầu như toàn bộ vào bộ trang phục hoàng đế xa hoa mà Napoleon chọn mặc, và biểu tượng quyền lực và ông nắm giữ. Quyền trượng của Charles V, thanh gươm của Charlemagne và sự giàu có của vải, da và áo choàng không tay, chiếc vương miện làm từ lá vàng, dây chuyền vàng và các huy hiệu tất cả đều được miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết; khuôn mặt và đôi tay của vị Hoàng đế bị ẩn mất trong bộ trang phục uy nghi. [22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Jean-Auguste-Dominique Ingres http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a1010284x http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://www.culture.gouv.fr/public/mistral/leonore_... http://www.louvre.fr/llv/dossiers/detail_oal.jsp?C... http://www.wga.hu/index1.html http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p068656092 http://www.jeanaugustedominiqueingres.org http://kulturnav.org/1f7fcc2d-3e4f-42ad-8a8c-3ac1b... http://www.newadvent.org/cathen/08008b.htm